Theo báo cáo của một số nghiên cứu, các cảm biến trên thị trường thiết bị IoT toàn cầu sẽ đạt mức 205 tỷ USD vào năm 2028, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 30,8%. Các chuyên gia cho rằng phần lớn sự tăng trưởng này là do xu hướng áp dụng công nghệ trong thiết bị y tế, sự phát triển của các nhà máy thông minh và mô hình tự động hóa sản xuất.
Cảm biến IoT hiện được sử dụng để theo dõi rất nhiều các số liệu trong cuộc sống, từ theo dõi nhịp tim con người đến sức khỏe vật nuôi, cây trồng trong ngành nông nghiệp. Ngoài ra, cảm biến IoT có thể giám sát: độ ẩm môi trường; sự thay đổi áp suất trong chất khí và chất lỏng; theo dõi huyết áp; cảm biến quang học trong điện thoại thông minh, xe tự hành,…
Dưới đây là năm xu hướng cảm biến IoT giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của lĩnh vực này:
1. Sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật IoT
IoT được nâng cấp bởi AI không chỉ cung cấp dữ liệu mà còn có thể kích hoạt các hành động khi các cảm biến cung cấp dữ liệu. Các cảm biến và thiết bị truyền động được kết nối AI sẽ giúp giảm độ trễ của mạng, cải thiện quyền riêng tư và cung cấp thông tin chi tiết theo thời gian thực cho các máy chủ điện toán đám mây và điện toán biên.
Báo cáo của Deloitte, IDC dự đoán rằng không lâu nữa, AI sẽ hỗ trợ tất cả các sáng kiến IoT một các hiệu quả và nếu không có các cải tiến về AI, dữ liệu từ việc triển khai IoT sẽ chỉ mang giá trị giới hạn.
2. Nhà máy thông minh
Báo cáo của IDC chỉ ra rằng các doanh nghiệp sản xuất đã đầu tư gần 200 tỷ đô la cho chi tiêu IoT, trong đó các nhà máy thông minh đóng một vai trò quan trọng trong các khoản đầu tư này.
Sản xuất thông minh hỗ trợ bởi IoT mang lại cho các nhà sản xuất khả năng hiển thị nhiều hơn về tài sản, quy trình và tài nguyên của họ. Dữ liệu từ các cảm biến và máy móc được các cảm biến IoT truyền tải lên điện toán đám mây và sau đó được phân tích bởi các nền tảng phần mềm IoT. Cuối cùng, những thông tin chi tiết này có thể giúp các doanh nghiệp cải thiện doanh thu tổng thể.
3. Các thiết bị y tế đeo trên người
Được gọi chung là “công nghệ sức khỏe”, thiết bị y tế đeo trên người cung cấp thông tin chi tiết về dữ liệu của bệnh nhân được thu thập bằng cảm biến cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế. Công nghệ này đã đặc biệt thu hút với bệnh nhân và các chuyên gia y tế trong quá trình ngăn chặn đại dịch Covid-19 trên diện rộng vào năm 2020 và 2021.
Trong số hàng chục thiết bị IoT có thể đeo được trong y tế, máy đo huyết áp là sản phẩm được tìm kiếm và sử dụng hiệu quả nhất trong vài năm qua. Được mô phỏng theo thiết kế của một chiếc đồng hồ thông minh, thiết bị này đo huyết áp, các hoạt động như số bước đã thực hiện và lượng calo đốt cháy. Thông tin được lưu trữ trong bộ nhớ, sau đó được chuyển sang một ứng dụng, nơi dữ liệu có thể được chia sẻ với các nhà cung cấp dịch vụ y tế.
4. Sự xuất hiện của chip cảm biến IoT thế hệ tiếp theo
Những tiến bộ trong công nghệ vi xử lý cho phép các nhà sản xuất cảm biến IoT tạo ra các chip nhỏ hơn, rẻ hơn và thuận tiện hơn. Một ví dụ nổi bật là sự đầu tư của hãng Qualcomm vào lĩnh vực công nghệ này.
Các chip cảm biến cao cấp nhất do Qualcomm sản xuất có thể hỗ trợ máy ảnh độ phân giải cực cao và xử lý các tác vụ nâng cao như xoay máy ảnh, nghiêng và thu phóng. Những con chip thế hệ mới của Qualcomm và các công ty công nghệ khác có thể được ứng dụng trong lĩnh vực bán lẻ. Các con chip này có thể cung cấp năng lượng cho các giải pháp đa thanh toán như không chạm, xe đẩy thông minh, tự thanh toán và thanh toán di động. Ngoài ra, một số chip cảm biến IoT cao cấp thậm chí có thể điều khiển robot kéo các hàng hóa có trọng lượng lớn trong nhà kho.
5. Những tiến bộ của điện toán biên (Edge Computing)
Các cảm biến IoT mới nhất đang giúp các doanh nghiệp quản lý khối lượng thông tin khổng lồ cần thiết để thực hiện phân tích dữ liệu lớn bằng cách giao tiếp với các máy chủ điện toán biên. Đây là một cải tiến so với IoT dựa trên nền tảng đám mây, nơi các máy chủ thường được đặt xa các cảm biến, dẫn đến mức độ trễ cao hơn và xử lý dữ liệu chậm hơn nhiều.
Cảm biến IoT có thể cung cấp các thuật toán phân tích tới các máy chủ biên, cho phép xử lý dữ liệu cục bộ hoặc tổng hợp dữ liệu trước khi gửi đến một trang web tập trung để phân tích và lưu trữ sâu hơn. Các cảm biến IoT được kết nối với các máy chủ biên cũng có thể duy trì cho hệ thống luôn hoạt động, ngay cả khi kết nối mạng bị mất do tính chất phân tán của điện toán biên, nơi luôn có các máy chủ luôn được kết nối liên tục.